Bài 5. Kiểu dữ liệu, hằng số và biến

Trong phần này, mình sẽ giúp các bạn làm quen với ngôn ngữ Swift. Trong tương lai, ngôn ngữ này sẽ thay thế ngôn ngữ Objective-C. Đối với các bạn mà trước đây đã có kiến thức cơ bản về một ngôn ngữ lập trình nào đó thì việc tiếp thu thêm một ngôn ngữ lập trình mới là hết sức đơn giản. Bên cạnh đó, những bạn nào mới làm quen với lập trình thì việc bắt tay tìm hiểu ngay ngôn ngữ Swift mà không cần qua ngôn ngữ nào khác là một lựa chọn hợp lý, không tốn nhiều thời gian và còn chuyên sâu hơn nữa. Chúng ta bắt đầu với Kiểu dữ liệu, hằng số và biến.

 

1. Kiểu dữ liệu, khai báo biến:

 

Ngôn ngữ lập trình giống như một sân khấu mà ở đó có đầy đủ đạo cụ, lập trình viên chỉ việc tiếp cận sân khấu, sử dụng đạo cụ và biểu diễn thuật toán của mình. Ở đây, đạo cụ được ví như kiểu dữ liệu. Giả sử mình sẽ diễn vở hài kịch trong đó có cảnh một em chân dài, thân cao thước rưỡi nhảy sexy dance, khi đó đạo cụ mình cần có sẽ là một đoạn nhạc phù hợp vậy thì mình sẽ khai báo đoạn nhạc đó với kiểu dữ liệu âm thanh. Dễ hiểu hơn, lời thoại của các nhân vật trong câu chuyện được thể hiện bằng lời nói, ghi lại bằng văn bản (text hoặc string) hay đến lúc chia tài sản, số tiền mà cả cuộc đời tỷ phú dành dụm được được tính và ghi nhớ bằng kiểu dữ liệu số. Như vậy bạn đã có thể dễ dàng hình dung kiểu dữ liệu và hiểu cần phải sử dụng nó trong trường hợp nào.

 

Biến (Variable): được định nghĩa là vị trí trong bộ nhớ máy tính mà nơi đó dùng để lưu trữ dữ liệu phù hợp với kiểu dữ liệu gán cho biến đó. Mỗi biến được đặt tên khác nhau sao cho không phạm vào các quy ước đặt tên của ngôn ngữ Swift và được lưu chỉ một giá trị nhất định. Giá trị đó có thể là chuỗi (String), là số nguyên (Integer) là Mảng (Array), … hay thậm chí giá trị đó có thể là rỗng (null). Dựa vào tên của biến để đọc, ghi dữ liệu lưu trên biến.

 

Để khai báo biến, ngôn ngữ Swift quy định cú pháp như sau:

var TenBien = <Dữ liệu>

trong đó TenBien là tên mà bạn muốn đặt cho biến, tên này có thể được đặt bằng hầu hết các ký tự kể cả ký tự emoji, <Dữ liệu> là dữ liệu mà bạn sẽ gán cho biến, có thể là null, có thể là chuỗi (String) hoặc số nguyên (Integer), …

 

2. Ngôn ngữ Swift cung cấp cho chúng ta những kiểu dữ liệu cơ bản như sau:

 

a. Integer – Số nguyên:
Kiểu dữ liệu số nguyên dùng để lưu trữ số nguyên. Swift cung cấp khả năng lưu trữ số nguyên 8, 16, 32, 64 bit; tương ứng với Int8, Int16, Int32, Int64.

b. Floating Point – Kiểu dấu chấm động:
Kiểu dữ liệu này dùng để lưu trữ số thập phân. Trong này có hai kiểu dữ liệu để lưu số thập phân là Float và Double. Tuỳ vào từng trượng hợp như độ lớn và mức độ chính xác của dữ liệu để lựa chọn sao cho phù hợp. Swift cho phép Double lưu trữ lên đến 64 bit với độ chính xác lên đến 15 chữ số thập phân. Còn đối với Float thì được giới hạn khả năng lưu trữ đến 32 bit và con số chính xác sau chữ số thập phân được quy định là 6 chữ số.

c. Bool – Đúng/Sai:
Cũng giống như các ngôn ngữ lập trình bậc cao khác, Swift cung cấp kiểu dữ liệu Bool cho phép lưu trữ giá trị mang tính điều kiện: true/false (đúng/sai), 0/1.

d. Character – Ký tự:
Kiểu dữ liệu này dùng để lưu trữ ký tự đơn trong một văn bản, ký tự số, dấu chấm câu hoặc dùng để lưu trữ biểu tượng. Ở đây, các bạn lưu ý, ký tự số hoàn toàn khác với số, ở chỗ ký tự số là một ký tự mà giá trị của nó không thể đem ra tính toán được như kiểu số học. Ngoài ra Swift còn cho phép kiểu dữ liệu này lưu trữ một ký tự Unicode.

e. String – Chuỗi:
Kiểu String, hay gọi là kiểu chuỗi là kiểu dữ liệu được tạo nên từ một hoặc nhiều ký tự khác nhau nhằm mục đích tạo thành một câu hay một đoạn văn bản. Ở kiễu dữ liệu chuỗi này cũng cho phép lập trình viên tìm kiếm, thay thế, thêm, xoá ký tự, … mà mình sẽ đề cập ở phần sau. Kiểu String cũng có thể được tạo nên bởi sự kết hợp của các chuỗi, hằng, biến, biểu thức khác nhau.

 

3. Biến:
Như đã đề cập ở phần trên, biến đã được tạo ra thì lập trình viên có thể đọc giá trị trong biến, thay thế (hay gọi là gán) giá trị khác cho biến đó. Giá trị gán cho biến có thể là giá trị đơn hoặc một hằng số hay thậm chí là sự kết hợp giá trị của nhiều biến khác nhau.

 

4. Hằng số:
Hằng số tương tự như biến, nó được cung cấp một nơi để lưu trữ giá trị mà lập trình viên gán vào. Hằng số chỉ khác với biến ở chỗ, khi đã gán giá trị rồi thì trong toàn bộ quá trình viết mã, lập trình viên không thể thay đổi giá trị của hằng số. Nói cách khác, lập trình viên không thể thay đổi giá trị của một hằng số khi đã gán cho nó.

 

 

Vậy là ở phần này, các bạn đã biết được cách khai báo dữ liệu như thế nào, Swift bao gồm các kiểu dữ liệu nào. Vậy hãy cùng theo dõi các hướng dẫn tiếp theo để sử dụng các kiểu dữ liệu biết được vào lập trình nhé!

 

Các bạn có thể đón đọc sách tại: https://goo.gl/yB2Nxn

 

Mọi đóng góp ý kiến và thắc mắc của các bạn, vui lòng liên hệ theo:
Email: [email protected]
Số điện thoại: +84 966 12 1579
Facebook: http://facebook.com/minhthanhlove
Fanpage: http://facebook.com/LapTrinhiOS

Like - Share - và cho tụi mình biết ý kiến của bạn bằng cách bình luận bên dưới nhé